Tranh trừu tượng là một hình thức biểu đạt hiện thực

Đánh giá post
Đánh giá post

Tranh trừu tượng vốn được “quy” là thể loại “khó hiểu”, bởi ngay cả đối với những người làm nghệ thuật vẫn còn những cách hiểu khác nhau. Ở đây, Tranh Decor chỉ đề cập đến những khía cạnh, những vấn đề liên quan đến dòng tranh này; phần nào giải đáp thắc mắc, băn khoăn về một thể loại còn khó hiểu đối với nhiều người.

Tranh trừu tượng và hiện thực

Nói về nghệ thuật, nhà thơ Tagor cho rằng nghệ thuật làm ra đâu phải để cắt nghĩa một điều nào đó mà là phản ánh một cái gì được hoàn thiện tự bên trong. Đúng vậy, người nghệ sĩ làm việc không vì một động cơ, hay mục đích nào hết, cũng như con chim hót, tất yếu nó phải làm như thế. Đó cũng chính là tình trạng tinh thần đạt đến cái “vô” trong đạo Phật, nếu người ta hiểu trạng thái tinh thần đó thì sẽ hiểu được mọi hình thức nghệ thuật. Vũ trụ vốn là không (vô) nhưng biểu hiện ra có muôn vàn hình tướng, “Tâm để yên như màu trắng, khi phân ra mới thành trăm màu” (Nguyễn Gia Trí). Trong nghệ thuật, biểu hiện của nó rất đa dạng phong phú, trừu tượng là một trong nhiều hình thức giúp họa sĩ biểu đạt hiện thực.

Thuật ngữ “Trừu tượng” (abstract) dùng để chỉ những gì khái quát, chung nhất của tư duy. Trừu tượng hóa là khả năng tổng hợp, khát quát để chọn ra những đặc điểm, tính chất chung nhất, tiêu biểu nhất của một hay nhiều sự vật hiện tượng. Như vậy, trừu tượng là hình thức tư duy rất cao và phức tạp của bộ não. Khả năng tư duy trừu tượng chỉ có ở con người, không có ở động vật. Nó phản ánh trình độ tiến hóa của bộ não và là biểu hiện quan trọng của sự phát triển văn minh.

Cách cảm nhận tranh trừu tượng

Tranh trừu tượng là một thể loại khó lĩnh hội đối với nhiều người, ngay cả những người làm nghệ thuật cũng chưa phải đã nắm vững được thể loại này. Không chỉ có dòng tranh trừu tượng mà các tác phẩm nghệ thuật Đương đại cũng thách thức thẩm mĩ của người xem. Nó đòi hỏi người xem phải có một trình độ văn hóa, hiểu biết và kinh nghiệm nhất định.

Quan niệm về nghệ thuật cũng như cái đẹp đã thay đổi nhiều, mục đích của nghệ thuật ngày nay không chỉ đơn thuần là cái đẹp, nghệ thuật phải phản ánh hiện thực cuộc sống (cuộc sống bao gồm cả hai mặt xấu – đẹp; tích cực – tiêu cực). Mặt khác, cái Đẹp không phải để phân tích mà để cảm nhận, những người muốn phân tích một bức tranh là luôn đi nhầm đường.

Cảm nhận một tác phẩm trừu tượng hay bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào cần quên đi ham muốn phân tích, biện luận, để cho tâm trí được thả lỏng, tự do giống người nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Lúc đó, họ phải tập trung cao độ, không để một ý nghĩ nào lởn vởn trong đầu dù chỉ là thoáng qua, nếu không sẽ mất thăng bằng và ngã xuống đất. Vì vậy, vô thức là nguồn gốc của ý thức và nghệ thuật. Người xem nếu không được chuẩn bị những hiểu biết cần thiết sẽ dễ bị lạc hướng, không biết bắt đầu như thế nào.

Hướng dẫn cách treo tranh sơn dầu đẹp và ấn tượng nhất !

Họa sỹ và tranh trừu tượng

 

Có một họa sĩ từng nói “…không vẽ được hiện thực mới vẽ trừu tượng…” Câu nói nghe có vẻ mâu thuẫn, vì chính người nói là một họa sĩ trừu tượng, song ý tác giả không nhằm chỉ trích tranh trừu tượng, mà nhằm phê phán những người không nắm chắc quy tắc cơ bản, bỏ quên hiện thực, “lao thẳng” vào trừu tượng; lại có người muốn lừa thiên hạ bằng lối vẽ nhập nhèm, học lối vẽ trừu tượng để che dấu sự non kém của mình. Họ vẽ xuất phát từ những suy nghĩ lờ mờ, thiếu thực tiễn mà không xuất phát từ hiện thực cuộc sống.

Cần phải hiểu hiện thực và trừu tượng là hai mặt của một vấn đề. Trừu tượng chỉ là cái vỏ, hiện thực mới là cốt lõi. Chính vì thế mà tất cả các họa sĩ dù là trường phái nào đều mong muốn mình là họa sĩ hiện thực.

Danh họa Picasso nói về nghệ thuật: “Thực ra đâu có nghệ thuật nào thuần túy là trừu tượng… đó chỉ là cách đặt tên để phân biệt. Bao giờ anh cũng phải bắt đầu bằng một cái gì đó. Cũng không có hội họa có hình dung hay không có hình dung. Mọi thứ đều hiện ra trước chúng ta dưới hình thức của một hình dạng nào đó. Ngay cả những ý tưởng siêu hình cũng có thể được diễn tả bằng những hình dạng có tính biểu trưng. Thật lố bịch khi nghĩ đến một nền hội họa không có hình dạng”.

Còn họa sĩ Chagall thì phản ứng với những nhận xét về tác phẩm của ông như sau: “…đừng nói đến chất thơ, chất cổ tích trong tranh tôi. Tôi là nhà hiện thực chủ nghĩa…”

Tranh trừu tượng và nguồn gốc loài người

Trong bất kì trường phái nào hay ngay cả trong suy nghĩ hằng ngày đã sẵn có yếu tố trừu tượng, ngay cả những bức tranh vẽ tả thực nhất vẫn có tinh thần đó, có điều người xem khó nhận ra. Vậy trừu tượng không phải là một hình thức xa lạ mà trái lại, rất gần gũi với con người, đặc biệt với người nghệ sĩ, tư duy này là một phẩm chất phải có. Trừu tượng có từ khi có chữ viết, con người phải nghĩ ra các kí hiệu để ám chỉ những ý nghĩ mang tính siêu hình, những điều mà không thể dùng hình vẽ mà diễn tả được.

Tư duy trừu tượng được trình bày rõ trong cuốn “Nguồn gốc văn minh” của Will Durant: “Khởi thủy là ngôn ngữ vì có ngôn ngữ loài người mới thành con người, khác con vật. Không có những tiếng mà ta gọi là danh từ chung ấy thì tư tưởng con người phải hạn chế vào từng vật, từng kinh nghiệm riêng biệt một mà chúng ta nhớ được là hoàn toàn nhờ các giác quan, nhất là thị giác… Nhân loại chỉ thực sự bắt đầu khi có một quái vật, hoặc một con vật kì dị nửa người nửa thú, ngồi xổm trong hang hoặc vắt vẻo trên cành cây, nặn óc để tạo một thanh âm đầu tiên có thể dùng làm dấu hiệu trỏ một đám, một nhóm đồ vật giống nhau: như nhà để trỏ tất cả các nhà, người để trỏ tất cả mọi người, ánh sáng để trỏ tất cả các ánh sáng lấp lánh trên đất hoặc trên biển.”

Như vậy con người đã biết tư duy trừu tượng từ khi có ngôn ngữ và từ lúc con người biết dùng các danh từ chung ấy trở đi, “sự phát triển tinh thần của nòi giống bước vào một con đường mới, bất tận, vì từ ngữ đối với tư tưởng cũng như dụng cụ đối với công việc; mà công việc hoàn hảo hay không một phần là tùy thuộc dụng cụ tốt hay xấu” (Will Durant).

Trong thiên nhiên có vô số các hình thù, đường nét, màu sắc, người vẽ phải chắt lọc, chọn ra những gì cần thiết cho mình, để tạo ra tác phẩm vừa có tính hiện thực vừa có tính điển hình. Như vậy khả năng khái quát, trừu tượng hóa rất cần thiết và là thước đo tài năng của người nghệ sĩ.

Tranh trừu tượng như một bản giao hưởng

Trừu tượng cũng có nhiều hình thức khác nhau, do sự khái quát cao nên nhiều bức tranh đơn giản đến mức không nhận rõ đối tượng vẽ, hình thể bị xóa nhòa, có tác phẩm chỉ toàn các vệt màu nguệch ngoạc không chủ đích…Nhiều người vẫn hiểu tranh trừu tượng thì trông phải nhập nhằng, khó hiểu. Thực ra họ vẫn nhìn nhận hội họa theo lối cũ là phải có đối tượng miêu tả, có hình dung cụ thể. Hiểu như vậy vẫn phiến diện và hạ thấp tranh trừu tượng. Thực ra trừu tượng là hình thức phản ánh phù hợp với những ý tưởng siêu hình, tình trạng vô định của tâm thức. Người họa sĩ không thể biết chắc bức tranh của mình khi hoàn thiện sẽ như thế nào. Vẽ trừu tượng thật ra không hề đơn giản, không phải ai cũng vẽ được.Tranh trừu tượng giống như một bản giao hưởng mà tất cả phải phối hợp làm một tạo nên âm hưởng chung, nếu không, bản nhạc sẽ loạn như âm thanh của cái chợ. Trong bức tranh, màu sắc, đường nét hòa quyện với nhau tác động tới người xem gợi cảm xúc hay ấn tượng nào đó. Nếu người vẽ không am hiểu, không làm chủ và ý thức được mình thì kết quả chỉ là hành động bôi (tự phát) mà không phải vẽ (tự giác), đường nét màu sắc sẽ rời rạc, vô hồn. Trừu tượng chỉ là một trong nhiều hình thức để biểu đạt hiện thực cuộc sống. Nó là phương tiện, không phải cứu cánh.

“Sáng tác có lúc như trong mơ, người vẽ không suy nghĩ mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng thì bức tranh lại không còn là trừu tượng nữa ” – xin kết bài viết bằng câu nói của họa sĩ Nguyễn Gia Trí lúc sinh thời.

 

Xem thêm : Một số bức tranh sơn dầu lãng mạn cùng Tranhdecor

 

One thought on “Tranh trừu tượng là một hình thức biểu đạt hiện thực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

093 532 1888